Hành trạng Bồ-đề-lưu-chi (Đạo Hy)

Năm 508, Bồ-đề-lưu-chi vượt qua dãy núi Pamir đến Lạc Dương, kinh đô của Bắc Ngụy thời bấy giờ, mang theo một số lượng lớn kinh Phật bằng tiếng Phạn. Đương thời, Tuyên Vũ đế là một người sùng bái Phật giáo, đã tiếp đón và thỉnh Sư về Vĩnh Ninh tự.[3] Sau Sư chuyển về kinh đô Nghiệp Thành của Đông Ngụy và tiếp tục công việc dịch kinh tại đây. Sau hơn 20 năm, Sư đã dịch được hơn 30 bộ kinh văn gồm Kim cương Bát-nhã-ba-la-mật kinh, Di-lặc bồ tát sở vấn kinh, Thắng tư duy Phạm thiên sở vấn kinh, Thâm mật giải thoát kinh, Nhập Lăng-già kinh, Đại Tát-già Ni-kiền tử sở thuyết kinh, Di-lặc bồ tát sở vấn kinh luận, Cứu cánh Nhất thừa Bảo tính luận, Pháp hoa kinh luận, Bảo tích kinh luận... Các bản dịch tập trung vào tư tưởng Đại thừa Du-già hành phái (Yogacara).[4] Ngoài ra, ông còn cùng với Lặc-na-ma-đề dịch bộ Thập địa kinh luận. Sư là người truyền dạy kinh Quán Vô lượng thọ kinh cho Đàm Loan, người về sau có ảnh hưởng quan trọng đến việc thành lập Tịnh độ tông.

Sách Khai Nguyên Thích giáo lục cho rằng, dựa trên cách hành văn trong Kim cương tiên luận, có khả năng tác giả chính là Bồ-đề-lưu-chi, nhằm giải thích Kim cương kinh luận của Thế Thân. Ngoài ra, Sư cũng được cho là tác giả của Nhập lăng-già kinh sơ, Pháp giới tính luận, Biệt phá chương.